CFVG Hanoi

Trường đại học Kinh Tế Quốc Dân

Điện thoại: 02436 280 280. Ext: 6213 & 6215

Hotline: 0913 716 818/ 0936 396 499

Email : info@cfvg.org
Địa chỉ: Tầng 12, Nhà A1, ĐH Kinh tế Quốc dân, 207 Giải Phóng, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

CFVG HCMC

Trường Đại học Kinh tế TP. HCM

Tel: [84-8] 3 830 01 03

Hotline: 0909 054 696

Email: info@cfvg.org
Địa chỉ: Số 91, Ba Tháng Hai, Quận 10, TP. HCM

Tôi đi học... MBA Khởi nghiệp

23/03/2018

Writer: Le Anh Tu
CFVG MBA Intake 25

Trong khi nhiều người nghĩ rằng MBA (Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh) là các chương trình chỉ thiết kế cho những ai mang tham vọng trở thành nhà quản lý chuyên nghiệp ở các tập đoàn kinh tế, tôi lại đến với MBA vì mục đích học… chuyên ngành Entrepreneuship (Khởi nghiệp học).

MBA Khởi nghiệp là gì?

“Những nhà Khởi nghiệp, họ là ai? Họ có những tố chất gì? Có phải họ là những kẻ thích phiêu lưu, khám phá như Columbus trên hành trình tìm ra châu Mỹ?” Giáo sư – Tiến sĩ Louis Jacques Filion bắt đầu buổi học đầu tiên của môn Entrepreneurship and New Venture Creation (Khởi nghiệp học và Khởi tạo doanh nghiệp) bằng một loạt những câu hỏi thảo luận mang tính “làm nóng.” Không có đúng hoặc sai, chỉ có trao đổi, tương tác và suy ngẫm. Đó là phong cách dẫn dắt xuyên suốt môn học chuyên ngành về Khởi nghiệp này tại CFVG của vị giáo sư người Canada, năm nay đã 74 tuổi.

26231161 10208318207072761 1075185045986704306 n
                                                                        MBA Intake 25 with Prof. Louis Jacques Filion

Học chuyên ngành Khởi nghiệp của chương trình MBA không hề dễ dàng. Tuy chuyên ngành này đã được nghiên cứu sau đại học trong các Khoa Quản trị Kinh doanh ở các nước tiên tiến khoảng hơn 30 năm, song tại Việt Nam, chỉ có MBA tại CFVG đưa vào giảng dạy hơn 5 năm gần đây. Sau khi đã vượt qua khoảng 12-14 môn học cơ bản mà bất kì chương trình MBA nào cũng có, các học viên mới đến giai đoạn chuyên ngành. Với Khởi nghiệp, chúng tôi chỉ có 4 môn bắt buộc, gồm Innovation, Creativity and Leadership (Đổi mới – Sáng tạo và Lãnh đạo), Entrepreneurship and New Venture Creation (Khởi nghiệp học và Khởi tạo doanh nghiệp) và Mission 1-2 (Thực hành khởi tạo doanh nghiệp). Trong đó, môn Thực hành Khởi tạo doanh nghiệp đòi hỏi các nhóm – từ 4 đến 5 thành viên – phải tự suy nghĩ và trình bày về một doanh nghiệp hoàn chỉnh trên lý thuyết, từ các khâu nghiên cứu thị trường, giới thiệu sản phẩm, đến lập kế hoạch kinh doanh và thuyết trình giới thiệu, phản biện trước nhà đầu tư (pitching).

Chỉ với số môn chuyên ngành ít ỏi, song có thể nói, sự tập trung suy nghĩ để “vượt vũ môn” với từng thử thách khác nhau cũng dễ… bạc đầu. Với Đổi mới – Sáng tạo và Lãnh đạo, ở buổi học thứ nhất, giáo sư người Pháp Louis David Benyayer yêu cầu mỗi nhóm 5-6 thành viên phải nghĩ ra ngay một ý tưởng có thể khởi nghiệp khả thi và thuyết trình trước lớp theo dạng pitching 5’ vào buổi học cuối, tức… 5 ngày nữa. Môn của thầy Filion về Khởi nghiệp học và Khởi tạo doanh nghiệp còn… gian lao hơn, với số lượng bài tập dày đặc: 6 bài tự luận trước khi bắt đầu môn học, 2 bài tự luận trong lớp, đọc và tóm lược quyển sách Lean Startup khoảng 300 trang, 1 bài thuyết trình nhóm kèm phỏng vấn sâu 1 doanh nhân khởi nghiệp người Việt tiêu biểu, và 1 bài luận 10 trang về mô hình khởi nghiệp của mỗi cá nhân. Tổng cộng, sơ sơ khoảng… 10.000 chữ (tiếng Anh), gói gọn trong 3 tuần cuối năm, khi ai cũng bị công việc bủa vây!

Thế nhưng, sau đoạn đường “thỉnh kinh”, những gì gặt hái được là rất đáng giá, ít nhất đối với chúng tôi, những thành viên của lớp MBA 25. Các học viên được tiếp cận những khái niệm khởi nghiệp một cách khoa học, từ nguồn gốc từ nguyên cho đến các làn sóng khởi nghiệp và đổi mới hiện đại. Những lý thuyết tiếp cận và phân tích về các dạng lãnh đạo và tâm lý lãnh đạo của doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các mô hình kinh doanh mới trên thế giới, phù hợp với Việt Nam,… cũng được các giáo sư truyền đạt kĩ lưỡng. Là phóng viên theo dõi các hoạt động Start-up tại TPHCM trong những năm qua, tôi thấy một sự thật khá hiển nhiên rằng hiếm có khóa học nào hiện nay về Khởi nghiệp lại tạo sự chuẩn bị thấu đáo cho người học như MBA về Khởi nghiệp của CFVG.

Hãy trồng cây ngay bây giờ!

Buổi giao lưu với các cựu học viên CFVG MBA nay đã khởi nghiệp thành công diễn ra vào những ngày giáp Tết Mậu Tuất 2018, nhưng vẫn thu hút đông đảo khán giả. Thành phần khách mời gồm anh Phạm Đức Đạt - CEO Ambrand, anh Nguyễn Công Thủy – CEO Global HRDC and Jobtest, và anh Võ Việt Lập – CEO LABSoft. Đây là một hoạt động nằm trong chuỗi chương trình bắt buộc của khóa học chuyên ngành MBA Khởi nghiệp, song ngoài các học viên, nội dung buổi tọa đàm đã hấp dẫn khá nhiều thành phần cử tọa, từ những doanh nhân tóc hoa râm, đến quản lý các công ty đang tìm hiểu về khởi nghiệp hoặc những ai đang ấp ủ một dự định kinh doanh nào đó.

Qua sự dẫn dắt của Tiến sĩ Võ Sáng Xuân Hoàng – Giám đốc Học thuật chương trình CFVG MBA, những câu hỏi được thảo luận sôi nổi quanh các chủ đề từ thực tiễn đến hàn lâm về Khởi nghiệp. Cử tọa muốn biết từ những động lực tạo lập công ty của các doanh nhân trong những ngày đầu, đến phương thức chọn đối tác kinh doanh, chọn người đồng sáng lập công ty, lẫn tầm nhìn dài hạn của những công ty start-up thuần Việt.

Qua thời gian thảo luận khoảng 3 giờ đồng hồ, nhiều câu hỏi đã được mổ xẻ kĩ lưỡng và mang lại cảm giác thỏa mãn nơi khán giả. Rõ ràng, không có một công thức chung nhất nào cho khởi nghiệp, vì mỗi doanh nhân (entrepreneur) lại có trong mình một tố chất khác nhau, điểm mạnh – điểm yếu lẫn niềm đam mê đều không ai trùng lặp. Song, có thể dễ thấy một điểm chung của những doanh chủ thời “Khởi nghiệp”, đó là sự khao khát tạo nên một điều gì đó không chỉ cho riêng mình, như một khoảng trời riêng tha hồ vùng vẫy, mà còn từ đó cống hiến giá trị cho xã hội, cho cộng đồng.

Nhưng hành trình vạn dặm nào cũng khởi đầu bằng một bước chân. Khởi nghiệp, dù có được rèn luyện trong môi trường học thuật hay lăn lộn trải nghiệm ngoài thị trường, cũng đều cần sự bắt đầu qua suy nghĩ hay hành động. Nói cho cùng, MBA là một chương trình thạc sĩ nổi tiếng với tính thực tiễn và ứng dụng chứ không phải hàn lâm. Một người học dù điểm cao đến đâu, nếu không thực hành được nhiều điều trong sự nghiệp của mình, cũng khó gọi là thành công. “Tôi nhớ một câu ngạn ngữ Trung Hoa thế này: thời điểm tốt nhất để trồng một cái cây là 20 năm trước. Thời điểm tốt thứ nhì, là ngay bây giờ. Do đó, nếu muốn khởi nghiệp, hãy làm điều gì đó ngay. Nói cách khác, hãy trồng cây ngay bây giờ nếu muốn có trái ngọt”, giáo sư Louis J. Filion đúc kết.

BOX:

CHƯƠNG TRÌNH MBA QUỐC TẾ 26 NĂM TẠI VIỆT NAM

Bắt đầu từ năm 1992, qua 26 năm, Chương trình MBA tại trung tâm Pháp – Việt đào tạo về Quản lý CFVG là chương trình Thạc sĩ Quản trị kinh doanh dạng liên kết quốc tế đầu tiên ở Việt Nam. Sử dụng ngôn ngữ là tiếng Anh hoặc Pháp, hầu hết giảng viên là các giáo sư đầu ngành đến từ các Đại học thuộc Khối Pháp ngữ toàn cầu. Sau khi vượt qua kì thi đầu vào khắt khe, học viên MBA của CFVG có thể chọn học 2 năm tại Việt Nam hoặc chương trình Bằng đôi: 1 năm trong nước và 1 năm ở các ĐH liên kết với CFVG – chủ yếu ở Pháp, như ESCP Europe, Audencia Nantes, IESEG,… Học viên được tài trợ 100% học phí ở Pháp.

Từ năm 2008 đến nay, CFVG đã 4 lần liên tiếp nhận chứng nhận EPAS về đào tạo MBA. Đây là chứng chỉ kiểm định về chất lượng học của Tổ chức Phát triển Quản lý Châu Âu (EFMD) – một trong ba chứng chỉ chất lượng đào tạo quốc tế về quản lý uy tín và khắt khe nhất trên thế giới, bên cạnh AACSB và AMBA. Ngoài chương trình MBA với 2 chuyên ngành là Entrepreneurship và Global Business, CFVG hiện đang đào tạo trên đại học các ngành kinh tế như: Thạc sĩ Tài chính – Ngân hàng (MEBF), Thạc sĩ Marketing Bán hàng và Dịch vụ (MMSS), Thạc sĩ Quản lý Chuỗi cung ứng (MSCM) và Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh (PhD). Hiện nay, mạng lưới cựu học viên (Alumni) CFVG ở Việt Nam đã lên đến hơn 3.000 người, là một trong những cộng đồng sau đại học hoạt động mạnh nhất trong nước.

 

Nhận xét của bạn

Informations

23, March, 2018