QUẢN LÝ CHUỖI CUNG ỨNG LÀ GÌ? VỊ THẾ CỦA NGÀNH CHUỖI CUNG ỨNG TRONG NỀN KINH TẾ VIỆT NAM
14/09/2017
Chuỗi cung ứng là một quá trình bắt đầu từ nguyên liệu thô cho tới khi tạo thành sản phẩm cuối cùng và được phân phối tới tay người tiêu dùng. Quản lý chuỗi cung ứng là quá trình rộng lớn và phức tạp bao gồm hoạch định và quản lý tất cả các hoạt động liên quan đến tìm nguồn cung, mua hàng, sản xuất, phân phối, dịch vụ khách hàng... Ở mức độ vĩ mô hơn, Quản lý chuỗi cung ứng là sự phối hợp và cộng tác của các đối tác trên cùng một kênh như nhà cung cấp, các bên trung gian, nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng.
Tại Việt Nam, mặc dù Quản lý chuỗi cung ứng là một ngành mới, nhưng đã và đang và sẽ giữ vị thế vô cùng quan trọng trong nền kinh tế. Quá trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế giúp Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn về đầu tư. Những năm gần đây, Việt Nam đang tích cực tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA với Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan... Chúng là chìa khóa quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tân dụng các thế mạnh về nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và nguồn lao động trẻ dồi dào, các doanh nghiệp quốc nội được khuyến khích gia nhập vào chuỗi cung ứng quốc tế. Tuy nhiên, chỉ mới có 36% doanh nghiệp Việt tham gia vào mạng lưới sản xuất, bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp. Thực trạng trên cho thấy chuỗi cung ứng ở nền kinh tế Việt Nam bị phân tán và ít khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, sự thiếu hụt nhân sự có chuyên môn cao trong ngành cũng là một trong những lý do hạn chế sự phát triển của ngành.
Thực tế chứng minh, ngành Chuỗi cung ứng sẽ ngày càng phát triển tại Việt Nam, kèm theo đó nhu cầu về nhân sự có chuyên môn về ngành ngày càng gia tăng. Muốn trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực này cần thường xuyên cập nhật kiến thức chuyên môn về ngành cũng như trao dồi, nâng cao những kỹ năng khác như khả năng phân tích, lập kế hoạch, chiến lược kinh doanh … hoặc tham gia một khóa học chuyên sâu như Chương trình Thạc sỹ quốc tế về Quản lý Chuỗi cung ứng của CFVG.