LÀM THƯƠNG HIỆU TỪ CHUỖI CUNG ỨNG - BÀI HỌC TỪ H&M
09/10/2017
Chuỗi cung ứng sẽ làm gì và góp ích như thế nào trong việc phát triển thương hiệu? Trong chuỗi ung cứng, người ta chia làm 2 phần inbound (từ nguyên vật liệu đến sản xuất) và outbound (sản xuất xong đến tay người tiêu dùng). Thương hiệu muốn phát triển cần có một tầm nhìn chiến lược sao cho quy trình từ inbound đến outbound là một chuỗi ngắn nhất, vận hành hiệu quả và trơn tru nhất. Được tôn vinh nằm trong Top 5 chuỗi cung ứng tốt nhất thế giới 2017, H&M hiện là tập đoàn thời trang lớn thứ hai thế giới (chỉ sau Inditex - chủ sở hữu của Zara) với hơn 4.351 điểm bán lẻ khắp 64 nước và doanh thu hơn 27 tỷ USD trong năm 2016. Hãy cùng tìm hiểu H&M cùng chuỗi cung ứng đã làm điều đó bằng cách nào:
- Thiết kế: H&M duy trì một đội ngũ thiết kế tại Stockholm với hơn 100 thợ mẫu, được hỗ trợ bởi 700 nhà cung cấp và hơn 20 trung tâm sản xuất trên khắp thế giới. Hoạt động cốt lõi của H&M nằm ở khâu thiết kế, phần còn lại, từ sản xuất cho đến phân phối, H&M sử dụng một mạng lưới các công ty thuê ngoài, bao gồm cả việc dự đoán xu hướng thời trang qua công ty Worth Global Styles Network (WGSN). H&M kết hợp giữa kinh nghiệm và tay nghề của các nhà thiết kế tại công ty với công nghệ mô phỏng và số liệu từ các đối tác với mục tiêu vượt qua các đối thủ trong việc nắm bắt xu hướng thời trang.
- Sản xuất: đây cũng chính là điểm mạnh cũng như sự khác biệt của H&M. Không sở hữu bất cứ một nhà máy nào nhưng H&M thuê ngoài hơn 700 công ty tại 20 nước để duy trì hệ thống thu mua - sản xuất của mình và giữ mối quan hệ tốt với các nhà cung cấp nhằm cạnh tranh về giá cả. Để mạng lưới thuê ngoài thực sự hiệu quả, H&M sở hữu hàng chục nhân viên giám sát và điều phối trên khắp thế giới – hay còn gọi là những nhân viên chuỗi cung ứng, hoạt động như là một cầu nối giữa H&M và nhà máy sản xuất, đảm bảo hàng hóa được hoàn thành với chất lượng cao nhất nhưng giá cả hợp lý nhất.
- Phân phối: Do đặc thù có nhiều nhà máy sản xuất khác nhau tại nhiều địa điểm trên khắp thế giới, H&M không vận chuyển hàng hóa trực tiếp đến từng cửa hàng mà thay vào đó, sử dụng một mạng lưới các trung tâm phân phối và một mạng lưới quản trị dữ liệu tinh vi có thể giảm từ 15-20% thời gian sản xuất.
Rõ ràng có thể nhận thấy H&M sở hữu một chuỗi cung vô cùng ứng linh hoạt, cho phép H&M nâng tầm và phủ sóng thương hiệu của mình một cách hiệu quả và nhanh chóng hơn bao giờ hết. Trong tương lai gần, tập đoàn này vẫn hướng đến việc hợp tác với các nhà cung cấp linh hoạt hơn nữa để giảm thiểu thời gian sản xuất và gia tăng tốc độ để đuổi kịp các đối thủ trên thị trường.